Nguồn nước giảm mạnh do hoạt động của con người

Nước là tài nguyên vô cũng quý giá đối với sự sống, nếu không có nước thì không có sự sống trên hành tinh của chúng ta. Trong cấu trúc động thực vật thì nước chiếm 95-99% trọng lượng các loài cây dưới nước, 80% trọng lượng loài cá, 70% trọng lượng các loài trên cạn, 65-75% trọng lượng con người và các loài động vật. Vì vậy, nước được coi là nền tảng của sự sống, không một sinh vật nào có thể sống thiếu nước. Nước là điều kiện đầu tiên để xác định sự tồn tại của sự sống, của con người.

Nước là một loại vật chất đặc biệt bao phủ bề mặt trái đất nhưng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước mưa, nước dưới đất và nước biển.

Tài nguyên nước trên trái đất được đánh giá bởi ba đặc trưng: số lượng, chất lượng và động thái.

  • Số lượng là đặc trưng biểu thị mức độ phong phú của tài nguyên nước trên một lãnh thổ.
  • Chất lượng nước bao gồm các đặc trưng về hàm lượng các chất hoà tan hoặc không hoà tan trong nước có lợi hoặc có hại theo tiêu chuẩn của đối tượng sử dụng.
  • Động thái của nước được đánh giá bởi sự thay đổi các đặc trưng dòng chảy theo thời gian, sự trao đổi nước giữa các khu vực chứa nước, sự vận chuyển và quy luật chuyển động của nước trong sông, nước dưới đất, các quá trình trao đổi chất hoà tan, truyền mặn,…

Tài nguyên nước mặt là nước phân bố trên mặt đất, nước trong các đại dương, sông, suối, ao hồ, đầm lầy, đông ruộng và băng tuyết. Đặc điểm của tài nguyên nước mặt là chịu ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu và các tác động khác do hoạt động kinh tế của con người; nước mặt dễ bị ô nhiễm và thành phần hóa lý của nước thường bị thay đổi; khả năng hồi phục trữ lượng của nước nhanh nhất ở vùng thường có mưa.

Thành phần hóa học của nước mặt phụ thuộc vào tính chất đất đai nơi mà dòng nước chảy qua đến các thủy vực, chất lượng nước mặt còn chịu ảnh hưởng bởi các quá trình tự nhiên (mưa lũ, hoạt động sống và chết đi của hệ sinh vật nước,…) cũng như hoạt động của con người.

Nước mặt thường có hàm lượng chất rắn lơ lửng đáng kể với các kích thước khác nhau, một số trong chúng có khả năng lắng tự nhiên, chất lơ lửng có kích thước hạt keo thường gây ra độ đục của nước sông, hồ.

Trong nước có nhiều chất hữu cơ do vi sinh vật bị phân hủy, có nhiều rong tảo, thực vật nổi, động vật nổi, chất lượng nước thay đổi theo mùa, bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hoạt động hai bên bờ của con người( công nghiệp, nông nghiệp…).

Các tác động gây ô nhiễm nguồn nước mặt

Ngày nay, nhu cầu phát triển kinh tế nhanh với mục tiêu lợi nhuận cao, con người đã lờ đi các tác động ảnh hưởng đến các nhân tố tự nhiên và môi trường một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Sự gia tăng dân số quá nhanh là nguyên nhân chính gây áp lực lên nguồn nước [6]. Vì nhu cầu nước cho phát triển nông nghiệp để gia tăng lương thực thực phẩm, phát triển công nghiệp để gia tăng hàng hóa và gia tăng thêm nhiều hình thức dịch vụ…

a, nh hưởng do hoạt động sống của con người

Các dòng nước mặt (sông, kênh rạch…) đặc biệt là ở vùng đô thị đều bị ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xả vào kênh rạch chưa qua xử lý. Tình trạng lấn chiếm lòng, bờ sông kênh rạch để sinh sống, xả rác và nước thải trực tiếp trên bề mặt gây ô nhiễm nước mặt,cản trở lưu thông của dòng chảy, tắc nghẽn cống rãnh tạo nước tù. Môi trường yếm khí gia tăng phân hủy các hợp chất hữu cơ, không những gây mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước và môi trường mà còn gây khó khăn trong việc lấy nguồn nước mặt để xử lý thành nguồn nước sạch cấp cho nhu cầu xã hội.

b, Ảnh hưởng do phát triển nông nghiệp

Việc chăn nuôi gia súc gia cầm ở hộ gia đình vùng nông thôn còn chưa có ý thức tiết kiệm nguồn nước trong việc vệ sinh, vệ sinh chuồng trại, chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, phần lớn cho vào ao hồ, sông suối gây ảnh hưởng đến chât lượng nguồn nước mặt.

Với tình trạng sử dụng bừa bãi, tùy tiện các loại hóa chất trong phân bón, các loại thuốc kích hoạt phát triển cây… Nhiều hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng đã bị ô nhiễm nguồn nước và phát tán rộng. Hệ thống tưới tiêu và hình thức tưới tiêu không hợp lý là nguyên nhân gây thất thoát lưu lượng nước lớn trong ngành trồng trọt .

c, Ảnh hưởng do phát triển công nghiệp và dịch vụ

Việc gia tăng nhiều nhà máy, xí nghiệp từ quy mô nhỏ hộ gia đình đến quy mô lớn dẫn đến nhu cầu về nguồn nước tăng, không những nước phục vụ cho sản xuất mà còn phục vụ sinh hoạt cho một số lượng lớn công nhân từ nhiều vùng khác nhau tập trung về.

Các chất thải công nghiệp như khói, bụi… tạo nên mưa axít không những làm thay đổi chất lượng nước ngọt, mà còn ảnh hưởng xấu đến đất và môi trường sinh thái.

Việc xả nước thải sản xuất từ các nhà máy, khu chế xuất khu công nghiệp chưa được xử lý vào sông rạch, ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Thậm chí có nơi còn cho nước thải chảy tràn trên mặt đất để tự thấm xuống đất hoặc đào các hố dưới đất để xả nước thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tầng nước dưới đất.

d, Ảnh hưởng do một số nguyên nhân khác

Hệ thống kênh rạch không được nạo vét dẫn đến tích tụ một khối lượng lớn các vật chất hữu cơ từ nước thải, rác thải gây bồi lắng và ảnh hưởng đến việc tiêu thoát của dòng nước.

Các bãi chôn rác không đạt yêu cầu kỹ thuật, nước rỉ ra từ rác thấm vào mạch nước ngầm hoặc cho chảy tràn trên mặt đất vào kênh rạch.

Các dòng nước mặt trên sông, kênh rạch còn bị ô nhiễm do xăng dầu của các tàu bè đi lại, hoặc các sự cố vận chuyển khác trên sông, biển.

Ảnh hưởng do chưa có ý thức về sử dụng và bảo vệ nguồn nước như sử dụng bừa bãi hoang phí, không đúng mục đích sử dụng.

CTY ĐÔNG DƯƠNG